Kim Cao Image
2019-07-18 06:02:32

G7 kêu gọi kiểm soát tiền điện tử để chống rửa tiền


G7 kêu gọi kiểm soát các đồng tiền điện tử " nhằm ngăn chặn nguy cơ rửa tiền, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng.


Các đồng tiền điện tử như đồng Libra của Facebook cần phải được kiểm soát theo "các tiêu chuẩn về quy định cao nhất" nhằm ngăn chặn nguy cơ loại tiền số này bị sử dụng trong các hoạt động rửa tiền, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng.

Lời kêu gọi này được một nhóm chuyên trách của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra trong phiên họp ngày 18/7 của các Bộ trưởng tài chính của nhóm diễn ra tại Pháp.

Tại phiên họp, người đứng đầu nhóm chuyên trách của G7 - đồng thời là thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure cho rằng các đồng tiền số làm phát sinh một số rủi ro liên quan đến các ưu tiên chính sách công, trong đó có chống tội phạm rửa tiền, các hoạt động tài trợ khủng bố, bảo vệ người tiêu dùng và dữ liệu, khả năng phục hồi không gian mạng, cạnh tranh công bằng và tuân thủ luật thuế.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp và là nhà hoạch định chính sách của ECB Francois Villeroy de Galhau khẳng định các nhà quản lý tài chính sẽ không "hy sinh" sự an toàn của các khách hàng để đổi lấy sự đổi mới.

Ông cũng cho biết các nhà quản lý mong muốn các câu trả lời giải đáp nghi ngờ của họ về tiền số Libra vào tháng 10 tới.

Các nhà quản lý và các chính phủ trước đó đã kêu gọi Facebook tôn trọng các quy định về chống rửa tiền và đảm bảo độ an toàn của các giao dịch, cũng như dữ liệu của người tiêu dùng.

Cũng tại phiên họp, các bộ trưởng tài chính G7 cảnh báo các đồng tiền số mới như Libra đe dọa làm mất ổn định hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Pháp - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch G7, cho biết G7 nhất trí cho rằng các dự án phát hành tiền điện tử có thể ảnh hưởng tới chủ quyền tiền tệ và hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế.

Phát biểu với báo giới sau phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh tiền điện tử đặt ra những trở ngại lớn cả về kỹ thuật và chính trị.

Một mối quan tâm khác tại phiên họp của G7 tại Chantilly (Pháp) là làm thế nào để đánh thuế các công ty công nghệ lớn một cách tốt nhất.

Trong bản tóm tắt nội dung cuộc họp mà hãng Reuters có được, các Bộ trưởng tài chính G7 nhất trí thực hiện kế hoạch đánh thuế các hãng công nghệ lớn, theo đó sẽ đưa ra mức thuế tối thiểu trong khi cho phép các công ty hoạt động kinh doanh ở những nước và vùng lãnh thổ mà họ không đặt trụ sở.

Theo G7, mức thuế tối thiểu này sẽ giúp đảm bảo các công ty trả thuế công bằng.

Trước đó, ngày 17/7, Pháp tuyên bố sẽ triển khai luật áp thuế các hãng công nghệ lớn hoạt động tại quốc gia này bất chấp phản đối từ phía Mỹ.

Pháp là nền kinh tế lớn đầu tiên thông qua luật đánh thuế các hãng công nghệ lớn. Hồi tuần trước Anh cũng công bố dự luật tương tự và chính phủ mới ở Tây ban Nha cũng đang "ấp ủ" một dự luật riêng về vấn đề này.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Ireland và Luxemburg lại phản đối áp dụng luật chung trên toàn châu Âu.

Đây là các quốc gia đánh thuế thấp và cũng là nơi được các hãng công nghệ lớn lựa chọn đặt trụ sở tại châu Âu.

Theo: TTXVN