Pompeo: Hoa Kỳ gỡ bỏ các hạn chế về tiếp xúc với Đài Loan
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Mỹ đang gỡ bỏ các hạn chế lâu nay với các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói sự tiếp xúc giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan không nên bị "cùm xích" nữa.
GETTY IMAGES
"Các hạn chế tự áp đặt" đã được đưa ra cách đây nhiều thập niên để "xoa dịu" chính quyền Trung Quốc đại lục, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo, bộ ngoại giao Mỹ cho biết trong một văn bản.
Các quy tắc này bây giờ "vô hiệu".
Động thái này có khả năng khiến Trung Quốc tức giận và gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Nó diễn ra khi chính quyền Trump bước vào những ngày cuối cùng trước lễ nhậm chức tổng thống của Joe Biden vào ngày 20 tháng 1.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, nhưng các nhà lãnh đạo của Đài Loan cho rằng đây là một quốc gia có chủ quyền.
Mối quan hệ giữa hai bên đang rạn nứt và thường xuyên có nguy cơ bùng phát bạo lực có thể kéo theo Mỹ, một đồng minh của Đài Loan.
Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, ông Pompeo nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra những hạn chế phức tạp để giới hạn giao tiếp giữa các nhà ngoại giao Mỹ và những người đồng cấp Đài Loan của họ.
"Hôm nay tôi thông báo rằng tôi đang gỡ bỏ tất cả những hạn chế tự áp đặt này," ông nói. "Tuyên bố hôm nay thừa nhận rằng mối quan hệ Mỹ - Đài Loan không cần và không nên bị trói buộc bởi những hạn chế tự áp đặt của bộ máy quan liêu thường trực của chúng ta."
Ông nói thêm rằng Đài Loan là một nền dân chủ sôi động và là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, và rằng các hạn chế không còn hiệu lực.
Sau thông báo, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã gửi lời cảm ơn tới ông Pompeo và nói rằng ông "rất biết ơn".
"Quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa Đài Loan và Mỹ dựa trên các giá trị chung của chúng ta, lợi ích chung và niềm tin vững chắc vào tự do và dân chủ", ông viết trong một tweet.
Tháng 8 năm ngoái, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã trở thành chính trị gia cấp cao nhất của Hoa Kỳ tổ chức các cuộc họp trên hòn đảo trong nhiều thập niên.
Mỹ cũng bán vũ khí cho Đài Loan, mặc dù nước này không có hiệp ước phòng thủ chính thức với Đài Loan như với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Trung Quốc và Đài Loan bị chia cắt trong một cuộc nội chiến vào thập niên 1940.
Từ lâu, Bắc Kinh đã cố gắng hạn chế các hoạt động quốc tế của Đài Loan và cả hai đều tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây và Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực để lấy lại hòn đảo này.
Mặc dù Đài Loan chỉ được một số quốc gia chính thức công nhận, nhưng chính phủ được bầu cử dân chủ của nó có mối liên hệ chặt chẽ về thương mại và phi chính thức với nhiều quốc gia.
Theo: BBC