Kim Cao Image
2022-03-16 00:04:45

Siêu thực phẩm kéo dài tuổi thọ


Làm thế nào để có thể sống đến trăm tuổi mà vẫn tràn đầy sức sống, lý tưởng và hạnh phúc. Hãy cùng tìm hiểu những thực phẩm và lối sống giúp bạn kéo dài tuổi thọ một cách khỏe mạnh nhất.


Bạn có muốn sống đến 110 tuổi không? Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì có nhiều người e ngại khi trả lời câu hỏi này. Nhiều người sợ phải chịu đựng đau đớn trong suốt những năm tháng cuối đời. Thế nên xét từ một góc độ khác, người ta có lẽ nên tập trung cải thiện sức khỏe hơn là kéo dài tuổi thọ. Nhưng nếu bạn có thể sống đến 110 tuổi mà vẫn tràn đầy sức sống, lý tưởng và hạnh phúc thì sao? Tại sao nhiều người sống đến hơn 100 tuổi mà vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, trí óc minh mẫn và giàu năng lượng, trong khi những người khác lại ra đi quá sớm?

Một người được gọi là sống siêu thọ khi người đó có thể sống đến ngày sinh nhật thứ 110 hoặc lâu hơn thế. Bà Jeanne Calment ở Pháp hiện vẫn giữ kỷ lục là người có tuổi thọ cao nhất, 122 tuổi 164 ngày.

Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những người sống thọ như vậy đều không mắc các bệnh liên quan đến lão hóa như suy giảm trí nhớ, tiểu đường type 2 và bệnh tự miễn. Đến khi mất, họ thường ra đi thanh thản trong chốc lát. Đó là do vận may chăng? Hay là do di truyền? Hay là do họ có những thói quen nào đó mà chúng ta có thể áp dụng để già đi một cách khỏe mạnh đến như vậy?

Là một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện và chống viêm, tôi đã dành cả đời để tìm kiếm đáp án cho câu trả lời trên. Và câu trả lời chắc chắn là có.

Lối sống của những người trường thọ

Ngược lại với thuyết di truyền học, chính là cách sống của chúng ta có tác động lớn nhất đến tuổi thọ. Ông Dan Buettner, một nhà thám hiểm Địa lý Quốc gia và là tác giả của cuốn sách “The Blue Zones” đã ghi chép về các lối sống đa dạng thường thấy ở những người trên 100 tuổi nhưng vẫn tràn đầy sức sống.

Những người thọ nhất thường sống ở các khu vực như: Ikaria, Hy Lạp; Okinawa, Nhật Bản; Ogliastra, Sardinia; Loma Linda, California và Nicoya Peninsula, Costa Rica.

Trước khi tìm hiểu về chế độ ăn của họ, hãy xem qua một số thói quen sống phổ biến ở những người này.



Vận động một cách thiết thực

Tất cả những người sống lâu đều hoạt động rất nhiều thông qua các công việc tay chân ở vườn, nông trại và xung quanh nhà ở. Dắt chó đi dạo, đi xe đạp và làm vườn cũng là một phần của lối sống lành mạnh giúp kéo dài tuổi thọ.

Theo đuổi mục tiêu trong cuộc sống

Thay vì nghỉ hưu, nhiều người sống siêu thọ đã theo đuổi công việc họ yêu thích, bao gồm quản lý các khu vườn cộng đồng và chăm sóc những đứa cháu của mình.

Tấm lòng tràn ngập tình yêu thương

Một yếu tố then chốt để kéo dài tuổi thọ là luôn thể hiện lòng biết ơn và chia sẻ tình thương với những người xung quanh. Việc giảm thiểu căng thẳng còn giúp giảm viêm nhiễm một cách đáng kể.

Tiêu thụ thực phẩm chống viêm

Thực đơn của những người sống thọ bao gồm nhiều dưỡng chất chống lão hóa có khả năng nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Điều mấu chốt là tiêu thụ nhiều rau củ, chất xơ và omega-3 và trong mỗi thực đơn đều bổ sung các chất béo có hương vị để giúp bữa ăn thêm ngon miệng.

Thực phẩm cho những người trăm tuổi

Hãy cùng đi vòng quanh thế giới để hiểu thêm về một vài loại thực phẩm thần kỳ của những người sống trăm tuổi.

Costa Rica

Dừa: Loại quả này có nhiều phần và công dụng khác nhau: Phần nước của trái dừa chứa hàm lượng lớn vitamin B, enzyme, acid amin và vitamin C; phần sọ dừa (cùi dừa) chứa chủ yếu là chất béo và được sử dụng để chiết xuất dầu. Thành phần acid béo trong dừa khiến loại quả này trở thành một trong những “siêu” thực phẩm phổ biến hiện nay. Dầu dừa là một trong những thực phẩm giàu chất béo bão hòa chuỗi trung bình (MCT) nhất. Sau khi được hấp thụ, MCT sẽ được cơ thể tiêu thụ nhanh chóng như một nguồn năng lượng hoặc được chuyển hóa thành ketone có lợi cho sức khỏe não bộ. Dừa và dầu dừa còn chứa flavonoid và các polyphenol khác hoạt động như các chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do, quá trình oxy hóa cholesterol LDL và ung thư.



Cacao: Cacao không những rất thơm ngon mà còn chứa gần 380 hợp chất có hoạt tính sinh học như polyphenol (catechin) và metylxanthin. Trên thực tế, cacao có chứa hàm lượng phenol nhiều hơn trong trà xanh và rượu vang đỏ. Điều này giúp cacao có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu cho thấy thường xuyên tiêu thụ cacao chứa nhiều polyphenol làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp và ung thư. Hàm lượng polyphenol cao giúp làm tăng HDL, giảm LDL, và cải thiện mức đường máu và huyết áp.

Đảo Sardinia

Rau bồ công anh: Loại rau này xếp thứ hạng cao về giá trị dinh dưỡng trong các loại rau xanh và chứa đựng nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol cùng với vitamin A và C. Khả năng chống oxy hóa của rau bồ công anh có ý nghĩa to lớn đối với việc kéo dài tuổi thọ nhờ tác dụng làm giảm căng thẳng oxy hóa (là nguyên nhân căn bản của bệnh tật) và làm chậm quá trình lão hóa của tế bào. Rau bồ công anh còn bảo vệ gan rất tốt và hỗ trợ gan thực hiện nhiệm vụ chính là khử độc cho khỏi cơ thể, cũng như bài tiết chất độc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và gây lão hóa.

Cây thì là: Trong thần thoại Hy Lạp và Ấn Độ, cây thì là tượng trưng cho sự trường thọ và bất tử. Là một nhánh thuộc họ ngò tây, cây thì là được dùng như một loại rau và gia vị. Cây thì là được biết đến rộng rãi như là một liệu pháp tự nhiên điều trị rối loạn tiêu hóa và chống viêm nhiễm, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tăng khả năng chống oxy hóa của cơ thể. Loại rau này cũng ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol thông qua việc tăng cholesterol tốt (HDL) và ức chế tác động oxy hóa của cholesterol xấu (LDL). Tác dụng này cùng với hàm lượng cao kali khiến cây thì là trở thành một thực phẩm hỗ trợ tốt cho hệ tim mạch.



Cá mòi: Loại cá này đang giảm dần số lượng do nhu cầu tiêu thụ của con người lớn hơn nguồn cung từ tự nhiên. Cá mòi tuy có kích thước nhỏ nhưng lại giàu acid béo omega-3 cùng các chất dinh dưỡng khác như vitamin D, selen và vitamin B12. Omega-3 có lợi cho sức khỏe nhờ khả năng chống viêm nhiễm giúp ngăn chặn các tình trạng bệnh như bệnh tim mạch. Trên thực tế, acid béo omega-3 có thể giữ mức LDL cholesterol trong giới hạn cho phép trong khi vẫn làm tăng hàm lượng HDL cholesterol và tốt cho hệ tim mạch.

Nhật Bản

Rong biển: Loại tảo biển đa bào này chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học và polysaccharide không thể tìm thấy ở bất kỳ loại thực vật trên cạn nào. Nhiều nghiên cứu so sánh chế độ ăn giữa người Nhật Bản và người Tây phương đã chứng minh rằng việc tiêu thụ rong biển giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư và bệnh tim. Nhiều loại rong biển chứa các acid béo có lợi như acid béo chuỗi dài omega-3 và acid béo không bão hòa đa nối đôi (PUFAs) có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rong biển có đặc tính chống ung thư giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh do chuyển hóa estrogen.

Gừng: Nhờ giàu dưỡng chất thực vật mà gừng thường được dùng như một gia vị để tăng thêm hương vị cho món ăn. Thế nhưng hương vị và mùi vị không phải là lý do duy nhất để dùng gừng. Người ta còn sử dụng loại thảo dược này vì đặc tính giảm viêm, giảm cholesterol và huyết áp. Thường xuyên tiêu thụ gừng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng, buồng trứng, gan, da, vú và tuyến tiền liệt. Gingerols, shogaols và paradols là các thành phần chính của gừng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, làm giảm nhiều [triệu chứng] bệnh, và thậm chí làm chậm quá trình lão hóa các tế bào.

Hy Lạp

Tỏi: Đây là một loại thảo dược thực sự thần kỳ với khả năng chữa lành mạnh mẽ. Tỏi có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm, virus, giảm huyết áp và cholesterol, làm loãng máu, giúp ngăn ngừa cục máu đông, và thậm chí chống ung thư. Đó là vì tỏi chứa hàm lượng cao hợp chất lưu huỳnh có vai trò tạo mùi, hương vị và mang lại nhiều lợi ích y học.

Một thành phần quan trọng khác là allicin. Hợp chất này giúp tỏi trở thành một loại kháng sinh tự nhiên hữu hiệu trong việc tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự sinh sôi của vi sinh vật độc hại bao gồm một số loại như vi khuẩn thương hàn, E. coli, tụ cầu vàng và H. pylori.



Ô-liu: Ô-liu và dầu Ô-liu là thành phần chủ yếu trong thực đơn của những người sống ở các quốc gia xung quanh khu vực biển Địa Trung Hải. Những người dân ở đây thường ít mắc bệnh tim mạch và ung thư, đồng thời có tuổi thọ cao. Ô-liu rất giàu phenol và omega-9 (một loại chất béo không bão hòa đơn), cả hai chất này đều có lợi cho việc duy trì nồng độ cholesterol bình thường.

Dầu ô liu chứa nhiều squalene (chất béo có nguồn gốc thực vật) hơn các loại dầu gia vị khác. Hợp chất này có các đặc tính bảo vệ hóa học giúp bệnh nhân ung thư chống lại tác hại của hóa trị liệu và làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thành phần của dầu ô liu có tác dụng chống viêm nhiễm, giúp làm giảm viêm trong quá trình hủy xương của phụ nữ sau mãn kinh, từ đó làm giảm nguy cơ loãng xương.

California
Trái bơ: Trái bơ cung cấp một lượng vitamin K, E, kali, magie dồi dào. Loại quả này còn chứa nhiều vitamin B, choline, sterol thực vật và các chất béo lành mạnh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Ăn trái bơ hằng ngày có thể duy trì mức cholesterol và cân nặng lành mạnh. Bơ có chứa vitamin C và E, cũng như xanthophylls (một loại sắc tố thực vật), tất cả đều là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ DNA khỏi bị tổn thương. Trái bơ không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ từ bên trong, mà còn ức chế sự lão hóa khi thoa trên da do chứa lutein và zeaxanthin có sinh khả dụng cao, giúp bảo vệ da chống lại tác hại của tia UV.

Tảo xoắn: Loại vi tảo này chứa nhiều sắc tố thực vật và hợp chất chống oxy hóa. Tảo xoắn được ghi nhận là có tác dụng làm giảm căng thẳng oxy hóa và mức cholesterol. Hợp chất chính xác giúp giảm mức cholesterol hiện vẫn chưa được phát hiện ra, nhưng đó có thể là phycocyanin, một loại protein. Phycocyanin cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư. Cùng với beta carotene, phycocyanin giúp bảo vệ cơ thể hữu hiệu khỏi bệnh ung thư nhờ đặc tính chống oxy hóa và điều hòa hệ miễn dịch. Tảo xoắn chứa ít calo nhưng giàu các chất dinh dưỡng, iốt, folate và magiê.

Julie Daniluk là một nhà dinh dưỡng học và khách mời truyền hình. Cô là tác giả từng đoạt giải thưởng với ba quyển sách best-selling bao gồm “Meals That Heal Inflammation – Thực đơn chữa lành viêm nhiễm” and “Hot Detox – Công thức thải độc mới nhất”. Cuốn sách thứ tư của cô, “Becoming Sugar-Free – Loại bỏ đường hóa học” sẽ được phát hành vào tháng 09/2021 bởi Penguin/Random House. Julie hiện đang là chuyên gia dinh dưỡng cho chương trình “The Marilyn Denis” mùa thứ 11. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập JulieDaniluk.com, Facebook & Instagram @juliedaniluk.


Minh Thành biên dịch
The Epoch Times