Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng nói ông chống tham nhũng "nhưng bị tù tại gia 20 năm"
Ông Vũ Mạnh Hùng, tự nhận là nhà đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam, cho rằng vì làm đúng theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông phải hứng chịu cảnh "tù tại gia" suốt 20 năm.
"Khi tôi nghe đảng hô chống tham nhũng, tôi quyết tâm làm theo và cố gắng đóng góp sức mình vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng, nhưng càng làm theo đảng nói, đảng hô thì thấy mình càng bị sa lầy, bế tắc, bị vùi dập, trả thù và không có con đường đến công lý." cựu nhà giáo Vũ Mạnh Hùng ngẫm lại.
Vỡ mộng vì 'tôn thờ' Đảng
"Sẽ ra sao nếu như cả cuộc đời chúng ta dành trọn niềm tin và công sức vào một lý tưởng nhưng rồi bị chính điều đó bội phản?", cựu nhà giáo hỏi khi bắt đầu câu chuyện.
Ông là Vũ Mạnh Hùng, sống ở Hà Nội, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục khoảng 17 năm, trước khi bị chuyển sang Phòng quản trị đời sống của trường Thương mại Trung ương I.
Theo ông, hơn 20 năm nay, ông luôn bị canh chừng, gây khó dễ, không chỉ những ngày có biểu tình, mà kể cả việc xét xử những người bất đồng chính kiến, dân oan bị mất đất,...Nhưng sau khi về hưu, ông Hùng nói ông phải đấu tranh suốt ba năm rưỡi về vấn đề lương bổng bị cắt sạch trước khi ông nghỉ, chỉ vì ông "lên tiếng" quá nhiều về các vấn đề xã hội.
"Đặc biệt là từ năm 2016 đến tháng 7/2020, ngày nào tôi cũng bị canh, như tù tại gia ấy. Tóm lại là những chuyện nhạy cảm đối vời nhà cầm quyền thì tôi đều bị canh. Thời gian đầu thì cũng rất khó chịu, nhưng sau đó mình ở nhà đọc sách, nghiên cứu ... tôi làm việc mình thích một cách say mê nhiều lúc tôi quên cả việc mình bị canh chừng."
'Hạn chế tự do đi lại'
Trong báo cáo ra tháng Hai năm 2022, HRW nói "từ lâu rồi, nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng cách câu lưu ngoài pháp luật như một thứ công cụ để đối phó với những người bất đồng chính kiến trong các sự kiện chính trị lớn".BBC không có điều kiện kiểm chứng toàn bộ những cáo buộc 'tù tại gia' của ông Vũ Mạnh Hùng.
Tuy vậy, lời kể của ông trùng hợp với tình trạng mà tổ chức nhân quyền đặt ở Hoa Kỳ, Human Rights Watch (HRW), mô tả là 'Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền' ở Việt Nam.
Bản phúc trình của HRW nói có các "vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác với việc buộc các nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và các hình thức câu lưu khác - thậm chí câu lưu họ chỉ vừa đủ lâu để không kịp tham dự các buổi biểu tình, phiên tòa hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao hay tổng thống Mỹ, và nhiều sự kiện khác nữa".
Phúc trình này cũng ghi nhận "những trường hợp nhà cầm quyền ngăn cản những người phê phán chính phủ đi lại trong nước hay xuất cảnh đi nước ngoài, trong đó có các vụ chặn giữ tại sân bay hoặc cửa khẩu, và từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác theo quy định để họ đủ điều kiện xuất cảnh hoặc trở về Việt Nam".
Bị xem là 'phản động'
Ông Vũ Mạnh Hùng nói ông là người cống hiến cho công cuộc chống tham nhũng nhưng cuối cùng lại bị xem như là "kẻ phản động".
"Đời đi làm viên chức của tôi gắn liền với việc tranh đấu cho công lý. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là giúp đảng lãnh đạo đất nước tiến đến giàu mạnh. Qua hai lần giúp đảng vạch mặt những kẻ có chức quyền tham nhũng, tiêu cực lần đầu là khi nghe TBT Nguyễn Văn Linh, sau đó là Đỗ Mười thực hiện NQ 240 về chống tham nhũng. Lần hai là nghe TBT Nông Đức Mạnh hô chống tham nhũng bất cứ ở cấp nào ...) thì tôi đã hiểu ra bộ mặt thực sự của chế độ."
Theo lời kể của ông, lần đầu tiên, ông đứng lên chống tham nhũng thì không đòi được công lý. Ngược lại, ông bị đình chỉ 3 tháng dạy học.
Lần thứ hai, dù những việc ông tố cáo được Thanh tra Chính phủ thừa nhận nhưng "công lý vẫn không được thực thi". Ông được "vận động" để nghỉ hưu sớm và không được trả lương hưu.
Ông lên tiếng kiện nhưng chỉ nhận về sự im lặng.
"Tôi vẫn bị trù dập, tài sản tham nhũng không bị thu hồi. Tôi bước sang giai đoạn tranh đấu cho dân chủ nhân quyền từ năm 2002. Nhưng để mình thực hiện được cái quyền con người và nói lên được sự thật về thực tế xã hội nó gian nan, khổ ải lắm."
Từ những trớ trêu của thực tế cộng với sự thôi thúc nội tâm, ông Hùng bắt đầu nghiên cứu và quan tâm đến tình hình chính trị xã hội hơn và đặt ra những câu hỏi về tính thành thực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau những vụ lên tiếng, ông Hùng nói ông thành "đối tượng" bị theo dõi.
"Chuyện tôi bị bắt, bị làm khó dễ thì nhiều, chủ yếu là do tôi thực hiện quyền con người theo quy định của hiến pháp và pháp luật hay những cam kết về nhân quyền của Đảng đối với quốc tế."
Trong bản báo cáo dài 65 trang được công bố ngày 17/2/2022, tổ chức Human Rights Watch cho biết họ đã điều tra nhiều trường hợp bị ngăn cấm di chuyển do chính quyền Việt Nam áp đặt từ năm 2004 đến năm 2021.
Theo HRW, các hạn chế cũng bị mở rộng với việc di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam, vì các nhà hoạt động báo cáo rằng họ bị đe dọa bởi các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng bên ngoài nhà của họ hoặc những kẻ côn đồ hàng xóm do nhà nước điều động; và thấy họ bị mắc kẹt ngay trong nhà của mình vì cửa đã bị khóa trái từ bên ngoài.
Trong một ví dụ từ năm 2016, nhà hoạt động vì quyền đất đai và vận động cho các tù nhân chính trị, ông Huỳnh Công Thuận thấy khóa cửa nhà ông đã bị dính chặt bằng keo để ngăn không cho ông ra khỏi nhà.
Vụ việc khác vào tháng 01/2021, nhà chức trách đã thực hành quản thúc tại nhà 10 ngày với bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà vận động nhân quyền, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Đám tang của những nhà bất đồng chính kiến tôi cũng bị canh, hoặc khi ông Nhạc nhà tôi mất, nội ngoại đến viếng không được giới thiệu là người thân của tôi, tức là có sự ngăn cản bạn bè tôi đến viếng từ sự áp lực với gia đình." ông Hùng bộc bạch.Theo ông Vũ Mạnh Hùng, chính quyền còn gây khó dễ cho người thân:
"Khi tình hình căng thẳng đối với tôi, dù vợ chồng đã ra toà ly dị, nhưng vẫn ở chung một nhà vì chưa có điều kiện ở riêng thì họ đã gây áp lực để buộc vợ con tôi phải đi thuê nhà ở, ... Việc đó đã gây mất đoàn kết và chia rẽ trong gia đình, gây thiệt hại về kinh tế, làm cho đời sống khốn đốn cả đôi bên."
Tuy bị sách nhiễu, đe dọa, bắt cóc nhưng ông Hùng khẳng định chưa bao giờ bị hành hung:
"Có lần họ nói với tôi, vì tôi là thầy giáo nên họ không muốn đối xử với tôi một cánh thô bạo." ông Hùng chia sẻ.
"Đối với người thân của tôi thì họ ứng xử bình thường. Thi thoảng có lính canh mới, nói năng ứng xử bất nhã thì tôi đăng hình và viết chỉ ra cái đúng, cái sai để họ nhận thức ra, và dư luận quan tâm."Trong suốt 20 năm bị canh giữ, ông Hùng cũng cho rằng có sự chuyển biến trong cách ứng xử của an ninh.
"Trước đây thì họ nhìn tôi với con mắt nghi ngờ, thậm chí có cái nhìn thù địch, nhưng nhiều năm gần đây, đa số lính canh hiểu ra họ cũng có cái nhìn thiện cảm và nói năng nhẹ nhàng."
Nhưng nhìn sâu vào những điều mà cả đời ông theo đuổi, cựu nhà giáo tâm sự rằng, ông luôn nhất quán làm theo những giá trị ông xem trọng:
Phúc trình tháng Hai của HRW kêu gọi Việt Nam "cần chấm dứt việc tùy tiện hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động và phê phán chính quyền, bao gồm quản thúc tại gia, câu lưu, sách nhiễu, theo dõi, cấm đi lại trong nước và xuất nhập cảnh"."Từ khi còn trẻ, tôi chỉ thích sống hài hoà, chứ không có tham vọng về chính trị, chỉ mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng một xã hội tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền, nên không thể không quan tâm đến chính trị và không có thái độ chính trị."
"Nên việc họ canh me tôi, hoặc có quy chụp bỏ tù tôi bằng những điều luật mơ hồ, tôi không hề xấu hổ với lương tâm của mình, tôi nghĩ thế và chắc tất cả những người bất đồng chính kiến ôn hòa cũng nghĩ thế," ông Hùng bộc bạch.
Phúc trình này cũng nói: "Quốc Hội cần hủy bỏ điều 14 (khoản 2) và điều 15 (khoản 4) của Hiến pháp, có nội dung cho phép hạn chế nhân quyền vì các lý do an ninh quốc gia, vượt quá giới hạn cho phép của công pháp quốc tế về nhân quyền."
Báo Quân đội Nhân dân ngày 22/2 có bài viết chê trách phúc trình của HRW.
Bài này nói "bản phúc trình nói trên thể hiện sự bế tắc của các thế lực thù địch khi mà không còn nhiều người trong nước bị lôi kéo, mua chuộc".
Bài báo khẳng định: "Cực chẳng đã, chúng đành phải "chuyển hướng" xuyên tạc, bôi nhọ về quyền tự do đi lại của những kẻ phản bội. Bản phúc trình cũng thể hiện một "hướng" chống phá mới của các thế lực thù địch."
Theo: BBC